Internet đã ra đời và phát triển vượt bậc, khai sáng một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho nhân loại, tính đến nay dữ liệu trên mạng internet là vô cùng lớn và tiếp tục tăng lên không ngừng nghỉ. Với một kho dữ liệu khổng lồ như vậy những cỗ máy tìm kiếm đã lần lượt ra đời nhằm phục vụ khai việc khai thác thông tin một cách hiệu quả.
Chúng ta đều biết Google là kẻ thống trị tìm kiếm trong hơn một thập niên qua, thế nhưng còn rất nhiều cỗ máy tìm kiếm khác mà chúng ta còn chưa biết, kể cả trước thời đại của kẻ thống trị Google.
Cùng Ngọc Hồ quay về nhiều năm trước, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, đây là thời điểm đánh dấu sự ra đời của những “cỗ máy” tìm kiếm đầu tiên.
Archie – “Cỗ máy tìm kiếm” đầu tiên trên thế giới
Trước khi World Wide Web (www) xuất hiện, vào năm 1990, Alan Emtage, Bill Heelan cùng với J.Peter Deutsch đã viết nên Archie, đây chính là công cụ tìm kiếm xuất hiện trước cả mạng toàn cầu WWW. Tại sao Ngọc Hồ lại đưa Archie vào danh sách này, đơn giản vì đây là công cụ tìm kiếm đầu tiên đặt nền móng cho những cỗ máy mạnh mẽ sau thời điểm internet ra đời. Ngoài ra còn có 2 cái tên khác là Gopher và Veronica, đây cũng chính là một trong những “Khai quốc công thần” trong lịch sử tìm kiếm của nhân loại.
Lycos
Dường như cỗ máy tìm kiếm này vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay như một nhân chứng và cũng là “kẻ trong cuộc” trong suốt 20 năm phát triển của các công cụ tìm kiếm.
Lycos, Inc (Lycos) là một công cụ tìm kiếm được xây dựng vào năm 1994, bắt nguồn từ một dự án nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon. Ngoài chức năng tìm kiếm thì Lycos cũng bao gồm nhiều dịch vụ khác như email, webhosting, thông tin điện tử,.. Ngọc Hồ cũng biết đến Lycos nhờ sử dụng dịch vụ free hosting mà Lycos từng cung cấp.
Yahoo! “Ông hoàng quá khứ” của mạng internet
Vào năm 1994, Jerry Yang và David Filo khi còn là sinh viên của đại học Stanford đã xây dựng nên một trang web có tên là “Jerry and David’s guide to the World Wide Web” tiền thân của Yahoo bây giờ. Còn nhớ ngày trước Ngọc Hồ khi mới biết tới internet thì có một trang web nào hay cũng đều ghi vào một tờ giấy để lúc nào cần đem ra “xài”, Yahoo! thời sơ khai cũng vậy, chức năng chính là lưu lại đường link của những trang web trên mạng internet thời đó rồi tổng hợp thành một “danh bạ”. Trang web “Jerry và David’s guide to the World Wide Web” của Jerry Yang và David Filo đã thu hút nhiều lượt truy cập và dần trở thành một trang web quen thuộc của người dùng internet, cuối mùa xuân năm 1994, hai người đồng sáng lập đã quyết định đổi tên trang web thành Yahoo! “thô lỗ” ( viết tắt của cụm từ Yet Another Hierarchical Officious Oracle).
Từ năm 1995 đến năm 2000 Yahoo! đã phát triển mạnh mẽ như một hiện tượng, trở thành ông hoàng bá chủ của internet. Năm 2000 Yahoo! hợp tác với Google, cho phép các kết quả tìm kiếm của google trên trang web của Yahoo!.
Nhưng Yahoo! đã phạm những sai lầm mà Ngọc Hồ nghĩ chắc những người sáng lập và điều hành Yahoo! phải tiếc nuối cả đời, đó là lúc Yahoo còn là ông hoàng mạng internet thì Google đã từng nhiều lần chủ động muốn “bán mình” cho Yahoo nhưng Yahoo đã từ chối bởi vì Yahoo nghĩ rằng họ là bá chủ và họ có thể xây dựng một công cụ tìm kiếm tốt hơn Google gấp nhiều lần. Yahoo cũng đã từ chối mua lại Facebook – mạng xã hội trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.
Bạn có thể xem lại hình ảnh của Yahoo “ngày xưa” mà Ngọc Hồ đã chụp lại bên dưới, năm 1996.
Yandex
Được sáng lập vào năm 1997 bởi Arkady Volozh, Arkady Borkovsky và Ilya Segalovich. Yandex hiện là công cụ tìm kiếm có thị phần đứng đầu tại Nga, với hơn 150 triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày và khoảng 50 triệu người dùng thường xuyên Yandex đã vượt qua Google và chiếm hơn 60% người dùng nước này. Về cơ bản thì Yandex có khả năng phân tích và tìm kiếm tiếng Nga tốt hơn so với Google. Ngoài tìm kiếm, Yandex cũng có nhiều sản phẩm tương tự như Google như Yandex Browser, Maps, E-mail,..
Baidu – “Gu gồ” của người Trung Quốc
Baidu là một công ty được thành lập vào năm 2000 bởi Lý Ngạn Hoành có trụ sở tại Bắc Kinh – Trung Quốc.
Cũng như Yandex ở Nga thì Baidu cũng gần như chiếm lĩnh thị phần tìm kiếm ở Trung Quốc. Một phần là do “cuộc chiến” giữa chính phủ Trung Quốc và Google đã buộc công ty tìm kiếm Mỹ “khai tử” Google.cn và rút các hoạt động khỏi đất nước đông dân bậc nhất thế giới. Hiển nhiên mà Baidu trở thành trang tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc do không còn sợ cái bóng của Google khi chỉ một đường một ngựa.
Bing – “Con đẻ” của Microsoft
Cái tên Bing có vẻ mới nhưng thực ra đây là công cụ tìm kiếm của Microsoft từ khá lâu mà Ngọc Hồ biết, tiền thân của Bing là MSN Search, Windows Live Search, Live Search. Cũng như Google hay Yahoo, Bing cũng cung cấp các dịch vụ tìm kiếm như : Images (hình ảnh), Maps (bản đồ), news(tin tức),..Ngoài ra Bing cũng được tích hợp sẵn vào các sản phẩm của hãng như Windows Phone cho các thiết bị di động.
Google – “Gã khổng lồ” tìm kiếm
Năm 1995 Larry Page và Sergey Brin lúc đó tại đại học Stanford đã phát triển một công cụ tìm kiếm với tên gọi là “Backrub”. Ngay sau đó, Backrub được đổi tên thành “Google” và có thể truy cập với địa chỉ là google.stanford.edu.
Năm 1998 Larry Page và Sergey Brin đã đưa Google tách ra khỏi Stanford và thành lập một trang web riêng với địa chỉ là Google.com. Cái tên Google nhìn thì thấy vô nghĩa nhưng theo Ngọc Hồ biết thì đó là một cách chơi chữ. (mấy ông người Mỹ này thời đó thiếu gì tên miền cứ đâm đầu chọn toàn chọn loại chơi chữ với cả viết tắt)
Đến năm 2000 Google đã trở thành một công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên internet và là đối tác tìm kiếm cho Yahoo. Ngay sau đó Google cũng cho ra mắt công cụ tìm kiếm hình ảnh, Gmail và thâu tóm các dịch vụ khác dần đưa Google trở thành một “gã khổng lồ” công nghệ.
Cùng xem lại hình ảnh “Gã khổng lồ” lúc sơ khai mà Ngọc Hồ đã chụp lại, năm 1998.
Trên đây là những công cụ tìm kiếm mà Ngọc Hồ thấy nên đem vào bài viết, gõ dài quá cũng ngại mỏi tay, có thể còn nhiều công cụ tìm kiếm khác nữa cũng xứng đáng nằm trong danh sách này như Infoseek, AltaVista, ASK,..tuy nhiên đây là những cỗ máy tìm kiếm chính và có thị phần tìm kiếm đáng kể, tương lai thì không rõ nhưng trong quá khứ và hiện tại là vậy.
NGỌC HỒ
Bình luận